Thay mặt Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

                                     Thay mặt Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.

Nghị quyết nêu rõ, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp là một trong những nội dung đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong những năm qua, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác cải cách thể chế, thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến có bước chuyển biến. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp được phát huy; ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nói chung được nâng lên theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh, các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều hạn chế: Cải cách thể chế chưa đáp ứng yêu cầu; phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực chưa rõ; giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, chưa thực sự tạo động lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nơi còn thiếu, chưa đồng đều; một số cán bộ, công chức, viên chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hoá công vụ chưa nghiêm, còn sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số còn chậm; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tỷ lệ các đơn vị tự chủ tài chính còn thấp.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên do cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa xác định đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ cải cách hành chính. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Khả năng tiếp cận công nghệ để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.

Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân, góp phần xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Theo đó, nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu cải thiện thứ hạng các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính qua từng năm. Phấn đấu 100% nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương giao cho HĐND tỉnh và UBND tỉnh quy định chi tiết được triển khai, thực hiện kịp thời, chất lượng.

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tiếp nhận và thụ lý trực tuyến. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%.

Giảm bình quân 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Phấn đấu cán bộ, công chức dưới 40 tuổi (lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, UBND cấp huyện) giao tiếp được với người nước ngoài bằng Tiếng Anh hoặc ngoại ngữ thông dụng khác. 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc (trừ các chức danh có quy định khác của cơ quan có thẩm quyền).

Giảm bình quân 10% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020. Tối thiểu 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 được đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Nghị quyết đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp trong thực hiện công tác cải cách hành chính; tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về cải cách thể chế, xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đúng quy định, đồng bộ, thống nhất;

Cải cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả thủ tục hành chính là khâu đột phá, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp liêm chính, phục vụ, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

Đẩy mạnh cải cách tài chính công, huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo bước đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội đối với công tác cải cách hành chính

Về tổ chức thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết phù hợp với đặc điểm tình hình của ngành, địa phương, đơn vị.

Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định rõ các đề án, nhiệm vụ trọng tâm để chủ động bố trí nguồn lực và phân công thực hiện theo lộ trình.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân tích cực tham gia cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Các ban Đảng, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Nghị quyết được quán triệt đến đảng viên và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân.

TOÀN VĂN NGHỊ QUYẾT MỜI XEM TẠI TỆP ĐÍNH KÈM


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 196.025
    Online: 7