Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Luật này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Sau đây là một số điểm mới của Luật Thi đua, khen thưởng 2022:

1. Bổ sung nguyên tắc khen thưởng

Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đã bổ sung các nguyên tắc khen thưởng trên cơ sở thành tích đến đâu khen thưởng đến đó (điểm c khoản 2 Điều 5); Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (điểm d khoản 2 Điều 5); Đảm bảo bình đẳng giới trong thi đua khen thưởng (khoản 3 Điều 5). Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án (khoản 2 Điều 23).

2. Thay đổi nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng

Về căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua: So với hiện hành, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7)

Về căn cứ xét khen thưởng: Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 kế thừa nguyên tắc “Tiêu chuẩn khen thưởng” (khoản 2 Điều 10) và thay đổi căn cứ “Phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích” sang “Thành tích đạt được” (khoản 1 Điều 10); thay đổi căn cứ “Trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” sang “Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” (khoản 3 Điều 10)

3. Bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”

Theo Điều 9, Các hình thức khen thưởng tại Luật thi đua, khen thưởng năm 2022 bao gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen.

Như vậy, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đã bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”. 

4. Bổ sung trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận

Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 bổ sung trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cụ thể:

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng (khoản 1 Điều 13)

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa về quản lý công tác thi đua, khen thưởng (khoản 2 Điều 13)

Ngoài ra, Luật mới cũng đã bổ sung vai trò phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. vào chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận (điểm c khoản 3 Điều 13)

5. Quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam: đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh (Điều 35); cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng (Điều 36, 37 và Điều 38), Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44); quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huy chương Hữu nghị (Điều 58).

6. Bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”

Theo đó, tại khoản 2, Điều 96, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định về “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như sau: Thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 02 năm trở lên; Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

7. Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”

Tại khoản 1, Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm:

- Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên;

- Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng trên do Chính phủ quy định.

Như vậy, so với hiện hành đã bổ sung đối tượng là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác do Chính phủ quy định.

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 222.910
    Online: 2