Nhằm tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn phường Trần Phú; tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành, thực thi pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn phường, góp phần hạn chế tỷ lệ khiếu nại, tố cáo sai, vượt cấp, tồn đọng, kéo dài, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ủy ban nhân dân phường Trần Phú xin được cung cấp tới bà con nhân dân một số quy định cụ thể trong Luật Tố cáo mà Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 đã thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 cụ thể như sau:
Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
- Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn (ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo; người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo).
- Trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc (trường hợp cần kiểm tra, xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày): có thông báo về quyết định thụ lý tố cáo hoặc không thụ lý tố cáo nếu không đủ điều kiện thụ lý và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc: nếu tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo hoặc hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết (nếu người tố cáo đến tố cáo trực tiếp).
Khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo.
Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điều 30 của Luật Tố cáo mà tố cáo chưa được giải quyết, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.
- Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
- Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
- Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
- Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Hình thức công khai:
- Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị tố cáo công tác;
- Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (ít nhất 15 ngày liên tục);
- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (ít nhất 15 ngày liên tục);
- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (ít nhất 15 ngày liên tục).
- Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.
- Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.
- Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật./.