Ngày 07/7/2022, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
* Trong đó,vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này bao gồm:
a) Các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường;
b) Các hành vi gây ô nhiễm môi trường;
c) Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải;
d) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung), cụm công nghiệp, làng nghề;
đ) Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, phế liệu; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản;
e) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy;
g) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố chất thải; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn;
h) Các hành vi vi phạm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học bao gồm: các quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền;
i) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện quan trắc môi trường; quản lý thông tin, dữ liệu môi trường; cung cấp, công khai thông tin về môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường;
k) Các hành vi cản trở trong hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường.
* Thẩm quyền của lực lượng QLTT và Thanh tra chuyên ngành Công Thương.
1. Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng.
2. Thanh tra viên chuyên ngành công thương đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
3. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
4. Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành về công thương của Sở Công Thương có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 100.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định.
5. Cục trưởng Cục quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
6. Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành Bộ Công Thương có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 250.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000.000 đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
7. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
- Lực lượng Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động quản lý thị trường, hàng hóa và hoạt động mua, bán, sử dụng động vật hoang dã, được quy định tại các Điều 46, 49, 51, 52, 54 và 55 của Nghị định này gồm:
+ Vi phạm các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn.
+ Vi phạm các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật.
+ Vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
+ Vi phạm các quy định về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.
+ Vi phạm các quy định sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu giữ, vận chuyển sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.
+ Hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.
- Thanh tra chuyên ngành công thương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 45, 46 của Nghị định này.
Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/8/2022 và thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP.