Khiếu nại là gì?
Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại quy định khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khiếu nại gồm có các dấu hiệu sau:
- Chủ thể thực hiện quyền khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức.
- Đối tượng khiếu nại là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc những người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là chính cơ quan đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
Ai là người có quyền khiếu nại?
Khoản 2 Điều 2 Luật Khiếu nại quy định người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện việc khiếu nại. Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trường hợp không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc vì lý do khách quan, theo quy định của pháp luật dân sự, thì công dân phải có người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ để thực hiện khiếu nại; cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại phải thông qua người đại diện hợp pháp.
- Các chủ thể thực hiện quyền khiếu nại phải là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; việc khiếu nại phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
Thế nào là quyết định hành chính mà công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại?
Quyết định hành chính là văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể (khoản 8 Điều II Luật Khiếu nại).
Như vậy một quyết định hành chính có thể bị khiếu nại khi có đủ ba yếu tố sau:
- Bằng văn bản: Luật Khiếu nại hiện hành đã đưa ra khái niệm mở rộng hơn: quyết định hành chính là văn bản trong đó có chứa nội dung thể hiện ý chí của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
- Là văn bản cá biệt do nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành.
- Là văn bản được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
- Tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức
Thế nào là hành vi hành chính mà công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại?
Hành vi hành chính trong quy định của Luật khiếu nại là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật (khoản 9 Điều 2 luật Khiếu nại).
Khác với quyết định hành chính phải thể hiện bằng văn bản, hành vi hành chính được biểu hiện bằng những việc làm thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động đối với những nhiệm vụ, công vụ được giao, thể hiện cụ thể như hành động không đúng hoặc làm trái với các quy định của pháp luật, cũng có thể là việc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà theo quy định của pháp luật họ phải thực hiện.
Người khiếu nại có thể khiếu nại thông qua hình thức nào?
Hình thức khiếu nại là cách thức thực hiện quyền khiếu nại của công dân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Theo quy định tại Điều 8 của Luật khiếu nại thì người khiếu nại có thể khiếu nại bằng hai hình thức là khiếu nại thông qua đơn hoặc trực tiếp đến khiếu nại.
Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyếtcủa người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyếtcủa người khiếu nại.
Thời hiệu khiếu nại là bao nhiêu ngày?
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là bao nhiêu ngày?
Theo quy định của Luật khiếu nại thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá ba mươi ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá bốn mươi năm ngày, kể từ ngày thụ lý.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp (Điều 17 Luật Khiếu nại).
Những khiếu nại nào, không được thụ lý giải quyết?
Khiếu nại, thuộc một trong các trường hợp sau, không được thụ lý giải quyết:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính, trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính, trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên, với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng, các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành, văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi, bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục, do Chính phủ quy định;
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
- Người khiếu nại, không có năng lực hành vi, dân sự đầy đủ, mà không có người đại diện hợp pháp;
- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;
- Đơn khiếu nại, không có chữ ký, hoặc điểm chỉ của người khiếu nại. Cần lưu ý, đơn khiếu nại mà chữ ký, hoặc điểm chỉ dưới dạng bản sao, (photo) không được coi là có chữ ký và điểm chỉ;
- Thời hiệu, thời hạn khiếu nại, đã hết mà không có lý do chính đáng;
- Khiếu nại, đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
- Có văn bản, thông báo đình chỉ ,việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày, người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;
- Việc khiếu nại, đã được tòa án thụ lý, hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của toà án, trừ quyết định đình chỉ, giải quyết vụ án hành chính của tòa án.