Ngày 20/6/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Luật số 19/2023/QH15). Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có một số quy định mới đáng chú ý như sau:

1. Bổ sung quy định về người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Điều 8 của Luật quy định các đối tượng được coi là người tiêu dùng dễ bị tổn thương gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số; người sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người bị bệnh hiểm nghèo, thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật. Đây là nhóm người tiêu dùng có khả năng chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, Luật mới cũng quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh; trong đó, nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

2. Tăng quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng

Điều 4 của Luật quy định người tiêu dùng có 11 quyền (tăng 03 quyền so với quy định tại Luật năm 2010). Cụ thể, Luật mới bổ sung các quyền: Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; được bảo vệ khi sử dụng dịch vụ công và quyền khác theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Luật cũng bổ sung một số nghĩa vụ của người tiêu dùng như: Tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định pháp luật...

3. Thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm

Luật mới đã bổ sung một số hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như:

- Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

- Cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng.

4. Quy định mới về bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng

Theo đó, Luật năm 2023 đã bổ sung thêm 02 đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu sản phẩm, hàng hóa bị lỗi, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng thậm chí gây thiệt hại cho người tiêu dùng là bên hoạt động trung gian thương mại và cá nhân, tổ chức khác có liên quan theo quy định.

Ngoài ra, bổ sung các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm: Khi chứng minh được không thể phát hiện được sản phẩm, hàng hóa bị lỗi với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại; đã áp dụng mọi biện pháp thương lượng, hòa giải và đã được người tiêu dùng tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố tình sử dụng sản phẩm, hàng hóa bị lỗi và gây ra thiệt hại...

5. Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng

Đó là trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng; quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

6. Quy định về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội

Luật mới đã mở rộng phạm vi các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả các loại hình tổ chức tham gia. Cụ thể, Luật bổ sung sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội (bao gồm tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp) trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong đó, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thường được biết đến là các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) và tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự tham gia đa dạng, toàn diện của các tổ chức trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

Tệp đính kèm


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 222.525
    Online: 2